Tuesday, August 26, 2014

Kế toán Việt Nam tiến gần các chuẩn mực quốc tế

Dịch vụ Kế toán Việt Nam tiến gần các chuẩn mực quốc tế

Hai điểm mới trong dự án Luật Kế toán mà các đại biểu Quốc hội chuyên trách đang thảo luận là chuẩn hóa hệ thống dịch vụ kế toán VN theo chuẩn mực quốc tế, và công nhận kế toán là một ngành dịch vụ trong nền kinh tế. VnExpress đã trao đổi với Ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Chế độ kế toán - Bộ Tài chính, về dự luật này.
- Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thường phàn nàn là cùng một hoạt động kinh doanh nhưng họ phải làm hai báo cáo tài chính khác nhau, một cho công ty mẹ và một cho cơ quan tài chính VN. Vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào?
- Để quản lý các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, nhà nước quy định tiêu chí báo cáo tài chính buộc doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế tuân thủ, không loại trừ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng hệ thống kế toán của ta đến nay mới hòa hợp 70-80% chuẩn mực kế toán quốc tế, nên xảy ra việc chỉ một hoạt động kinh doanh nhưng phải có 2 báo cáo tài chính khác nhau.
Theo tôi, nước nào có nền kinh tế chuyển đổi đều vấp phải vấn đề này. Hướng xử lý mà Bộ Tài chính đang tiến hành và đã được đưa vào dự luật này là VN phải sớm ban hành bộ chuẩn mực kế toán phù hợp với thông lệ quốc tế. Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) có 35 chuẩn mực kế toán cho nền kinh tế thị trường phát triển, và khuyến cáo các nước nên tiếp cận hay sử dụng những chuẩn mực này. Hiện các nước thực hiện theo 3 cách: sử dụng toàn bộ hệ thống này (như các nước có nền kinh tế thị trường phát triển); dựa vào chuẩn mực IFAC để soạn thảo hệ thống nguyên tắc kế toán phù hợp với điều kiện phát triển của mình; và tạo hệ thống kế toán riêng hoàn toàn (như Trung Quốc đang áp dụng). VN theo cách thứ hai, và tới nay đã công bố tổng cộng 10 chuẩn mực kế toán. Theo cam kết hội nhập, đến 2005 sẽ công bố hết 35 chuẩn mực kế toán phù hợp với hệ thống do IFAC ban hành. Lúc đó kế toán VN sẽ phù hợp 90% kế toán quốc tế. Tôi nghĩ lúc đó việc phải làm 2 bản báo cáo tài chính sẽ cơ bản chấm dứt.
- Dự luật dành một chương về hoạt động nghề nghiệp kế toán. Phải chăng từ trước đến nay ta chưa coi đây là một nghề nghiệp đặc thù?
- Trước đây, người ta chỉ hiểu nhân viên kế toán là người làm việc tại doanh nghiệp, công sở. Nhưng từ khi ta mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài đã đưa vào một loại hình kinh doanh dịch vụ mới là dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính. Bất cứ đơn vị kinh doanh nào cũng có thể thuê nhân viên kế toán, kể cả kế toán trưởng, mà không cần một cán bộ cơ hữu như trước.
Kế toán là một công việc đặc thù, liên quan đến trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp với nhà nước, đến yêu cầu công khai minh bạch tài chính của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Vì vậy cần phải có luật điều chỉnh. Dự luật lần này sẽ đưa ra những tiêu chuẩn với người hành nghề kế toán (như phải được đào tạo, có chứng chỉ, độc lập về chuyên môn nghiệp vụ), cũng như trách nhiệm của họ khi có sai sót trong dịch vụ kế toán.
- Những đơn vị nào được thuê kế toán ngoài?
- Toàn bộ khu vực dân doanh, có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng doanh nghiệp nhà nước có được thuê kế toán ngoài không thì còn tranh cãi, bởi liên quan đến vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Theo tôi, nếu doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì có thể thuê kế toán được. Đơn vị sử dụng vốn ngân sách như các cơ quan hành chính, sự nghiệp cũng không được thuê vì nhà nước phải quản lý chặt chẽ hoạt động tài chính. Kế toán trưởng phải là công chức, do nhà nước quản lý.
- Theo dự thảo, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kế toán. Tại sao ta không để tổ chức hiệp hội nghề nghiệp là Hội Kế toán đảm nhiệm chức năng này như các nước thường làm?
- Các nước theo nền kinh tế thị trường, khu vực tư nhân phát triển mạnh nên rất chú trọng nghiệp vụ kế toán. Từ lâu họ coi đó là một nghề nên đã sớm hình thành tổ chức nghề nghiệp. Các hội kế toán của họ có danh tiếng, tự quản lý thành viên, kiểm soát lẫn nhau, được phép ban hành các chuẩn mực kế toán, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, tổ chức sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề... Còn ta phải vài năm sau khi mở cửa, đến 1994 mới thành lập Hội Kế toán VN. Kế toán lại là một nghề mới nên trước mắt nhà nước phải quản lý. Tôi nghĩ với xu hướng hội nhập này, qua buổi giao thời khoảng 7 năm nữa, khi Hội Kế toán phát triển mạnh thì mới có khả năng tự quản lý được.
Nghĩa Nhân VnExpress.NET

 

Thành lập doanh nghiệp,thành lập công ty, dịch vụ kế toán