Từ 1-6 đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng
Ngày 15-4, Chính phủ ban hành Nghị định
số 43 về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ
1-6-2010. Nghị định này quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự,
thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh; quy định về
cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh
nghiệp.
Bằng cách đăng ký qua mạng điện tử, các doanh nghiệp
sẽ không phải chờ đợi làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp - Ảnh
minh họa
Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước
thực hiện nhiều thủ tục đăng ký rườm rà, cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp chỉ cần đăng ký thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp
quốc gia. Cụ thể quy định việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử là
Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ, hướng dẫn sửa
đổi, bổ sung hồ sơ và thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký doanh
nghiệp qua Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Hồ sơ nộp
qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia có giá trị pháp lý như
hồ sơ nộp bằng bản giấy.
Trường hợp người thành lập doanh nghiệp chưa có chữ ký
điện tử, việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử vẫn có thể được thực
hiện theo quy trình: sau khi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được chấp thuận
trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, doanh nghiệp sẽ
in Giấy xác nhận nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử từ hệ
thống này.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký tên
vào Giấy xác nhận nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và gửi
đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở
chính. Sau khi nhận được Giấy xác nhận nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
qua mạng điện tử của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh xem
xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Rút ngắn thời hạn cấp giấy chứng nhận
Thay vì quy định 10 ngày như trước đây, Nghị định mới
quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp
lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh cho doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp,
chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp, đăng ký hoạt
động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh
của doanh nghiệp.
Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp Giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa
đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp
có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở cấp tỉnh và
cấp huyện. Ở cấp tỉnh là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và
Đầu tư. Riêng Hà Nội và TP.HCM có thể thành lập thêm 1 hoặc 2 cơ quan
đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập
thêm cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh do UBND thành phố quyết định. Ở
cấp huyện sẽ thành lập Phòng đăng ký kinh doanh tại các quận, huyện,
thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có số lượng hộ kinh doanh và hợp tác
xã đăng ký thành lập mới hàng năm trung bình từ 500 trở lên trong 2 năm
gần nhất.
Trường hợp không thành lập Phòng đăng ký kinh doanh cấp
huyện thì UBND cấp huyện giao Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện
nhiệm vụ đăng ký kinh doanh.
5 thành phố thí điểm
Nghị định quy định UBND 5 thành phố: Hà Nội, TP. HCM,
Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, xem xét thí điểm chuyển cơ quan đăng ký kinh doanh cấp
tỉnh sang hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu.
Ngoài ra, Nghị định còn có một số điểm mới như: doanh
nghiệp đăng ký trùng tên với doanh nghiệp trước đó sẽ không phải đổi
tên; mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh
nghiệp, mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp; thống nhất
lệ phí đăng ký trên toàn quốc; thống nhất một bộ hồ sơ đăng ký kinh
doanh duy nhất và một đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký
doanh nghiệp là cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo website chinhphu.vn